Tập huấn nâng cao năng lực phát triển rừng bền vững cho phụ nữ Mường tại huyện Thạch Thành, Thanh Hóa (2021-2022)

Ngày 05/03/2022, Trung tâm Nghiên cứu Phát triển vùng đã phối hợp cùng tổ chức Corenacca và Trung tâm Phát triển nông thôn Miền Trung thực hiện nghiên cứu “Tác động của Hiệp định đối tác tự nguyện về thực thi lâm luật, quản trị và thương mại lâm sản” (gọi tắt là hiệp định VPA/FLEGT đến đồng bào dân tộc thiểu số) tại xã Thành Vinh, Thạch Cẩm, và công ty cổ phần Xuân Sơn, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa.
Mục đích của nghiên cứu tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu ban đầu cho việc giám sát tác động đến đồng bào DTTS của Hiệp định đối tác tự nguyện về thực thi lâm luật, quản trị rừng và thương mại lâm sản giữa Liên minh Châu Âu và Chính phủ Việt Nam (gọi tắt là VPA-FLEGT).
Phó Giáo sư Mai Thị Hồng Hải giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phát triển vùng đã trực tiếp chỉ đạo triển khai các hoạt động nghiên cứu gồm thực hiện khảo sát 70 hộ gia đình DTTS tham gia phát triển rừng trồng theo tiêu chuẩn FSC, tổ chức thảo luận nhóm hộ trồng rừng về những nội dung liên quan đến tác động của Hiệp định đối tác tự nguyện về thực thi lâm luật, quản trị và thương mại lâm sản đến sinh kế bền vững của cộng đồng DTTS trên địa bàn huyện Thạch Thành.
Tính đến năm 2021, toàn huyện Thạch Thành có tổng số diện tích FSC là 3.343,27 ha, được phân bố đều trên 13 xã, 54 thôn, với 194 nhóm, 1.991 lô rừng và 1993 hộ gia đình tham gia (đa số là người dân tộc Mường).
Kết quả nghiên cứu cho thấy, Hiệp định đối tác tự nguyện về thực thi lâm luật, quản trị và thương mại lâm sản đã và đang tác động tích cực đến mô hình phát triển rừng bền vững và bảo vệ môi trường sinh thái. Theo đó, các thói quen sử dụng thuốc, phân bón hóa học đang được người dân nơi đây thay thế bằng phân bón hữu cơ và tuyệt đối không sử dụng thuốc trừ sâu trong quá trình chăm sóc rừng trồng. Đặc biệt, xử lý thực bì sau thu hoạch rừng trồng bằng phương pháp đốt cháy tại chỗ gây ra nhiều vấn đề về ô nhiễm không khí, cháy rừng đã được người dân chuyển sang phương pháp ủ mục, tăng cường dinh dưỡng tự nhiên cho đất. Công ty cổ phần Xuân Sơn là đơn vị duy nhất trên địa bàn thu mua gỗ trong chuỗi cung ứng và xuất khẩu sang thị trường Châu Âu theo tiêu chuẩn FSC luôn có giá cao hơn từ 15 đến 20% so với rừng trồng chưa được cấp chứng chỉ FSC. Đồng thời công ty cũng có chính sách hỗ trợ các hộ dân trồng rừng và chính quyền địa phương 100.000đ/m3 gỗ.
Với lợi ích to lớn đã và đang mang lại từ Hiệp định đối tác tự nguyện về thực thi lâm luật, quản trị và thương mại lâm sản đến sinh kế bền vững cho đồng bào DTTS, công ty cổ phần Xuân Sơn đồng phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thạch Thành có kế hoạch mở rộng diện tích rừng được cấp chứng chỉ rừng FSC từ 3.343,27 ha như hiện tại lên 10.000 ha năm 2025, góp phần tích cực nâng cao giá trị rừng trồng và cải thiện đáng kể nguồn thu nhập của người dân địa phương. Sử dụng hiệu quả nguồn lực cộng đồng, nhân rộng mô hình sinh kế bền vững và bảo vệ môi trường sinh thái rừng.